1. Strong
Chữ “S” đầu tiên là viết tắt của từ “strong” nghĩa là mạnh mẽ. Trẻ em học tiếng Anh, trước hết cần phải có một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tràn trề. Muốn tạo dựng cho trẻ em hứng thú trong học tập, trước hết các bà mẹ cần phải có một niềm tin rất lớn, đó là niềm tin vào bản thân và niềm tin vào con cái. Cần phải hiểu rằng trẻ em học tiếng Anh không phải để đối phó với thi cử mà nhằm mục đích rèn tâm luyện tính, mở mang tầm mắt. Chỉ khi xuất phát từ niềm cảm hứng thực sự và gác chuyện thi cử sang một bên, trẻ em mới học tốt tiếng Anh, và sau này mới đạt những thành tích xuất chúng trong thi cử.
Vun đắp hứng thú học tập cho trẻ hoàn toàn không có nghĩa là để cho trẻ học một cách quá thoải mái, dễ dãi. Trong học tập không bao giờ có thể dễ dãi. Vun đắp hứng thú học tập cho trẻ chính là làm cho trẻ cam tâm tình nguyện chịu khổ để học tập. Phải là những đứa trẻ như thế nào mới có thể chinh phục được những thách thức gian nan nhất, khô khan nhất của việc học tiếng Anh? Chỉ những đứa trẻ có đam mê, hứng thú học tập và cam tâm chịu đựng gian khổ mới làm được.
Cảm hứng có thể mang đến một sức mạnh kinh người. Có một bạn học sinh cấp hai rất ham mê môn bóng rổ. Bạn từng nói ngay cả những động tác tưởng chừng rất đơn giản cũng phải đổ biết bao mồ hôi và công sức mới luyện thành thục được. Cho dù cơ bắp có mệt mỏi rã rời, bạn ấy vẫn kiên trì luyện tập mỗi tuần. Có thể thấy đây chính là sức mạnh của niềm đam mê.
Phương pháp giáo dục tốt nhất để bồi dưỡng nguồn cảm hứng học tập cho trẻ chính là dạy trẻ đọc nguyên tác các cuốn sách được thiếu nhi các nước Anh, Mỹ yêu thích. Thông qua văn học, trẻ có thể tìm thấy những giá trị về chân, mỹ, thiện, ác, tà được xây dựng trong các tác phẩm. Các nguyên tác văn học dành cho thiếu nhi sẽ như một sợi dây tình cảm dẫn dắt các em. Một khi trẻ có cảm tình với tiếng Anh, trẻ sẽ yêu thích tiếng Anh. Trong thực tiễn giảng dạy, nên xuất phát từ việc hướng dẫn các em đọc các cuốn sách nguyên tác, để cho các em yêu thích các nhân vật trong sách, chỉ khi các em đọc sách tương đối nhiều rồi, mới nên cho các em làm bài tập. Những em nào đã đọc thông thạo các cuốn sách nguyên tác, khi làm bài tập sẽ thấy dễ dàng hơn rất nhiều.
2. Scalable
Chữ “S” thứ hai là viết tắt của từ “scalable” nghĩa là có thể phát triển, có thể lên cao hơn. Trẻ lấy việc đọc làm cốt lõi để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác. Nói một cách khác, việc đọc là căn bản, qua đó sẽ phát triển các kỹ năng nói và viết. Trong cuốn đại cương giảng dạy tiếng Anh tiểu học mới nhất của Singapore, kỹ năng đọc được xếp trước kỹ năng nói. Không có những kiến thức tích lũy từ việc đọc, người ta sẽ không có gì để nói hoặc chỉ nói ra những điều rỗng tuếch.
Trong cuộc thi hùng biện do trường tiểu học Henry Park của Singapore tổ chức , các em học sinh đã dùng tiếng Anh đàm luận về hiện tượng trái đất ấm lên (global warming). Các em tuy tuổi còn nhỏ nhưng phát ngôn hết sức chuyên nghiệp. Được biết, trước khi tham gia hùng biện, các em đã phải sưu tập rất nhiều tài liệu báo chí có liên quan để chuẩn bị cho bài diễn văn của mình.
Năm 2005 kênh thiếu nhi đài truyền hình trung ương Trung Quốc có tổ chức cuộc thi tiếng Anh mang tên “Chiếc Cup hy vọng”. Một tuyển thủ nhỏ tuổi đã dùng tiếng Anh đối đáp rất trôi chảy các câu hỏi hết sức hóc búa của ban giám khảo. Sau khi bạn nhỏ hoàn tất phần trả lời của mình, chuyên gia nước ngoài đã phát biểu: “Tôi rất ngạc nhiên trước kiến thức sâu rộng của bạn. Chắc chắn là bạn đã đọc rất nhiều.” Lời nhận xét của vị chuyên gia đó cho thấy bản chất của khả năng hùng biện chính là phải có “bụng bồ kinh luân”, hay nói cách khác, các diễn giả phải tích lũy cho mình kiến thức rộng thông qua việc đọc.
Trong các tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển có rất nhiều những đoạn hội thoại vừa bộc lộ tính cách nhân vật lại hợp với ngữ cảnh. Chất lượng ngôn ngữ vì thế mà cao hơn rất nhiều so với trong sách giáo khoa hoặc các bản tóm lược. Khi trẻ học tiếng Anh nhất định phải cho trẻ đọc các nguyên tác này, có như thế trẻ mới có được một vốn từ phong phú, tránh tình trạng không biết dùng tiếng Anh diễn đạt ý muốn của mình.
3. Sustainable
Chữ “S” thứ ba viết tắt của từ “sustainable” có nghĩa là “ổn định”, “bền vững”. Điều quan trọng nhất khi trẻ học tiếng Anh đó là trẻ có thể sử dụng tiếng anh một cách ổn định và dài lâu, dùng tiếng Anh đáp ứng các nhu cầu. Trẻ có thể vận dụng tiếng Anh tiếp cận các phương tiện truyền thông từ đó gặt hái những kiến thức và tư tưởng cũng như làm phương tiện giải trí.
Tác giả bài viết này từng dẫn dắt một cậu học sinh, chúng tôi gặp nhau lần đầu khi cậu bé đó đang nghỉ hè chuẩn bị lên lớp năm. Trước đó những tài liệu tiếng Anh mà cậu bé đọc chỉ là những bài viết đơn giản và rất ngắn. Tôi đã yêu cầu cậu bé kể từ kỳ nghỉ hè đó phải tạm biệt những bài đọc đơn giản ấy. Lúc đó tôi yêu cầu cậu tận dụng kỳ nghỉ hè đọc hết cuốn sách “Charlotte’s Web”. Sau khi vào năm học tôi yêu cầu cậu đọc tiếp cuốn “Harry Potter và hòn đá phù thủy”, hai cuốn sách này đã đi cùng cậu suốt hơn một năm. Tôi đã rất nghiêm khắc đôn đốc cậu đọc thật kỹ, không ít tình tiết còn yêu cầu cậu đọc diễn cảm. Những từ vựng tôi yêu cầu cậu phải nắm được cậu đều học thuộc.
Khi cậu lên cấp hai trình độ tiếng Anh của cậu thuộc loại xuất sắc trong lớp. Năm lớp bảy, tôi yêu cầu cậu bé tự đọc nguyên bản tiếng Anh cuốn “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày”. Sau năm lớp tám, phần vì việc học trên lớp nặng hơn, phần vì cậu dần ham thích máy tính và lập trình nên cậu không còn đọc các nguyên tác văn học nữa, tôi cũng không dạy cậu nữa. Thành tích các môn toán, lý, hóa của cậu cũng rất tốt. Mẹ cậu nói các bạn cùng lớp cậu ngày chủ nhật buổi sáng học thêm toán, chiều học thêm tiếng Anh còn cậu chỉ cần học thêm toán thôi, như vậy cậu có thêm thời gian cho các hoạt động khác.
Năm lớp 11, cậu học sinh ấy tìm tôi nhờ tư vấn du học. Gia đình cậu đã có kế hoạch nếu cậu không thi đỗ đại học trong nước sẽ cho cậu đi Mỹ du học. Nhờ khả năng tiếng Anh vững vàng nên cậu không quá lo vấn đề ngôn ngữ.
Tuy học ngành tự nhiên nhưng cậu rất biết ăn nói, cậu ấy nói với tôi: “Phần quan trọng nhất trong môn tiếng Anh mà cháu có được là từ bác đấy.” Tôi có hỏi cậu học tiếng Anh thế nào, thì cậu nói các sách tiếng Anh trong nhà trường rất dễ đối với cậu, hiện nay cậu thích nhất là lang thang trên các diễn đàn về lập trình điện thoại di động của nước ngoài, thích nhất được giao lưu với các bạn nước ngoài có chung sở thích về lập trình. Cậu còn khoe đã từng tranh luận sôi nổi với một cậu bạn người Mỹ về một vấn đề kỹ thuật, cuộc tranh luận của cậu thu hút rất nhiều người quan tâm.
Những học sinh như vậy tôi đã từng dạy rất nhiều. Học tiếng Anh không nên bắt đầu từ việc “học”, mà nên bắt đầu từ việc “dùng”. Dạy trẻ em biết dùng tiếng Anh sẽ cho kết quả tốt hơn rất nhiều so với dạy trẻ em đối phó với các kỳ thi tiếng Anh. Ở lứa tuổi tiểu học nên thông qua các cuốn truyện tiếng Anh nguyên bản hấp dẫn trẻ. Đến tuổi trưởng thành khi đã có vài cuốn sách làm vốn liếng, học sinh có thể thường xuyên tham gia các diễn đàn quốc tế và tranh luận với bạn bè cùng trang lứa, như vậy chẳng phải sẽ tạo động lực rất lớn cho học sinh sử dụng tiếng Anh một cách lâu dài hay sao?