Những lời khuyên giúp trẻ tự tin thuyết trình trước đám đông
Mọi đứa trẻ cần phát triển các kỹ năng diễn thuyết trước đám đông trước khi bước sang sinh nhật thứ 21.
Bà Merrilyn Jenkins, hiệu trưởng trường Penshurst West (Australia) cho biết sự tự tin trong việc diễn thuyết trước đám đông là một công cụ vô giá mà trẻ em cần phải có để đạt được thành công trong cuộc sống.
Theo bà, một giọng nói dõng dạc và đầy tự tin chính là một kỹ năng sống chủ chốt giúp nuôi dưỡng lòng tự tôn và niềm tin vào bản thân. “Trẻ em cần nhiều cơ hội để chuẩn bị và trình bày các bài thuyết trình cũng như cần lắng nghe và xem người khác thuyết trình.”
Sau đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp trẻ chuẩn bị cho những giây phút thuyết trình trọng đại.
- Khi trẻ có quyền lựa chọn chủ đề, hãy khuyến khích trẻ chọn những chủ đề trẻ yêu thích
- Ở lứa tuổi nhi đồng, có thể để trẻ nói về những chủ đề đơn giản như thuật lại một ngày nghỉ hoặc một sự kiện đặc biệt, nhưng khi trẻ lớn hơn cần khuyến khích trẻ phát biểu ý kiến cá nhân. Ví dụ, một bài thuyết trình về loài rắn không nhất thiết chỉ có những con số và sự kiện mà có thể bao gồm nhận định về tầm quan trọng của rắn đối với môi trường hay nguyên nhân vì sao con người sợ rắn.
- Giúp trẻ phát triển những phần mở đầu và kết bài thật thú vị cho bài thuyết trình, nhưng luôn phải theo một cách có ý nghĩa.
- Hướng dẫn trẻ sử dụng nhiều nguồn thông tin đa dạng như thảo luận cùng gia đình, tài liệu thư viện hay internet.
- Chuẩn bị những mảnh giấy nhỏ đủ để trong bàn tay giúp trẻ nhớ nội dung cần trình bày. Trẻ nhỏ có thể vẽ tranh phù hợp với nội dung từng phần thuyết trình. Trẻ lớn hơn có thể ghi những từ khóa hoặc ý chính vào mảnh giấy và sử dụng khi thuyết trình.
- Ngay cả những diễn giả chuyên nghiệp cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng và luyện tập rất nhiều mới có được những bài diễn thuyết trôi chảy và thuyết phục.
- Khuyên trẻ nên thực hành diễn thuyết trước gương hoặc trước máy quay để có thể tự quan sát và đánh giá hiệu quả của bản thân.
- Trong khi trẻ luyện tập, hãy nhắc trẻ:
- Phát âm từng từ thật rõ ràng
- Nói đủ to để người ngồi cuối căn phòng có thể nghe thấy
- Điều chỉnh âm vực và nhip điệu sao cho hiệu quả
- Chú ý nhìn vào khán giả
- Hãy dành thời gian lắng nghe con bạn thuyết trình, tránh làm việc khác trong lúc trẻ đang nói bởi trẻ cần luyện tập nhìn vào mặt người khác trong lúc nói. Cho ý kiến đánh giá về bài thuyết trình và dùng đồng hồ hẹn giờ để nhắc nhở trẻ hoàn thành bài thuyết trình trong đúng khoảng thời gian cho phép.
Điều cuối cùng, nhưng vô cùng quan trọng đó là tránh tạo quá nhiều áp lực cho trẻ
“Một diễn giả với tâm trạng thoải mái và được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ toát ra phong thái tự tin và do đó sẽ luôn là người chiến thắng.” bà Merrilyn cho biết.